Phương pháp lắp đặt hệ thống làm mát Warter Chiller (Phần 1)
Nhà thầu cơ điện Maicom chia sẻ bài viết về “phương pháp lắp đặt hệ thống làm mát Water Chiller ” – một hệ thống làm mát dành cho nhà xưởng, nhà máy cần khống chế độ ẩm, nhiệt độ hay tòa nhà, nhà xưởng làm việc một cách liên tục 24/24h
1. Mặt bằng lắp đặt hệ thống làm mát Water Chiller :
– Không gian lắp đặt thiết bị:
+ Tạo một không gian hợp lý bao quanh thiết bị sao cho người lắp đặt, vận hành, bảo trì thao tác được thuận lợi.
+ Tạo khoảng cách hợp lý cho thiết bị ngưng tụ và máy nén hoạt động được tốt.
+ Tạo khoảng cách tối thiểu là 3 feets (914 mm) tính từ cửa tủ điều khiển để người vận hành thuận lợi trong thao tác.
– Nền:
+ Nền bê tông phải cứng, phẳng, và có đủ độ bền để có thể chịu đựng được trọng lượng gia tăng trong quá trình cụm Chiller hoạt động.
+ Độ nghiêng của nền bêtông không được vượt quá ¼ inch (6,35mm) theo bề dài và bề rộng của Chiller.
– Thông nước, xả nước khi bảo dưỡng, sữa chữa:Lắp đặt gần hệ thống thoát nước đủ lớn cho đường nước thoát ra từ thiết bị ngưng tụ và bay hơi trong quá trình ngừng máy hoặc sữa chữa.
– Thông gió cho nơi đặt Chiller:Thiết bị vẫn sản sinh ra nhiệt mặc dù máy nén được làm mát bởi tác nhân lạnh. Do đó, cần phải loại bỏ lượng nhiệt phát sinh ra khi thiết bị hoạt động trong phòng máy bằng cách thông gió hợp lý đảm bảo nhiệt độ trong phòng thấp hơn 50oC (122oF).
Lưu ý:
Đối với những thiết bị nặng, luôn luôn sử dụng những thiết bị nâng hạ với công suất nâng lớn hơn khoảng 10% trọng lượng thiết bị. Nên làm theo sổ tay hướng dẫn đi kèm theo thiết bị. Nếu để xảy ra sự cố thì có thể dẫn đến kết quả chết người hoặc bị chấn thương nghiêm trọng.
– Bọc cách nhiệt cho Chiller:Cần bọc cách nhiệt cho thiết bị bay hơi của Chiller để tránh xảy ra hiện tượng đọng sương bên ngoài bình và cũng tránh gây nên tổn thất nhiệt cho bình.
Chiller đã được bọc cách nhiệt
2. Thiết bị nâng cẩu và các dụng cụ lắp đặt hệ thống làm mát Water Chiller:
– Di chuyển và lắp đặt thiết bị:
Chỉ nên di chuyển Chiller bằng thiết bị nâng hạ tại những điểm hoặc vị trí được thiết kế sẵn trên thiết bị (móc treo). Đối với những thiết bị khác nhau ta cần xem xét trọng lượng của chúng để dùng thiết bị nâng vận chuyển hợp lý. Nếu đặt sai vị trí có thể gây hư hỏng cho Chiller.
Lưu ý:
– Không được dùng các lỗ ren trên máy nén để nâng hoặc hỗ trợ cho việc nâng cẩu Chiller.
3. Lắp đặt hệ thống Chiller:
Đảm bảo hệ thống vận hành theo yêu cầu, tại vị trí vào ra của bình bay hơi và bình ngưng lắp các chi tiết sau:
Lắp đặt hệ thống Water Chiller.
– Lắp các van bướm (Butterfly valve) tại các vị trí như hình trên của đường ống vào và ra của các bình của Chiller. Khi một cụm Chiller bị sự cố hoặc khi vệ sinh ta có thể đóng các van này lại để tách biệt cụm Chiller đó khỏi hệ thống.
– Đầu ra của các bình phải lắp công tắc dòng chảy (Flow Switch) để đảm bảo luôn có nước giải nhiệt cho bình ngưng và có nước được làm lạnh trong bình bay hơi.
– Đầu vào và ra của các bình có các nhánh rẽ lắp các thiết bị đo áp suất nước (Pressure meter), thiết bị đo nhiệt độ (Temperature meter) và trên các nhánh có các van ngắt (Shut off valve) để ngắt khi thay thế thiết bị trên.
– Lắp các ống nối mềm, loại Single Sphere Type (Flexible joint) tại các vị trí vào ra của các bình để giảm độ rung động cho hệ thống đường ống khi làm việc. Do tại đầu vào của các bơm có van Y lọc (Filter valve), nên tại đầu vào của các bình không cần gắn thêm các thiết bị lọc, giảm được tổn thất và giá thành.
– Lắp các van cân bằng (Balancing valve) và các van điện điều chỉnh lưu lượng tại đầu ra của các bình.
– Tại vị trí thấp nhất của ống góp và vị trí thấp nhất của các đường nước vào và ra đều phải có các đường nước xả đáy thuận tiện trong việc vệ sinh các thiết bị. Đồng thời, nhà sản xuất cũng lắp thêm một số thiết bị như sau để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và an toàn. Sơ đồ bố trí các thiết bị trên như hình sau:
Sơ đồ tách dầu cho môi chất lạnh trong hệ thống
– Sau khi tác nhân lạnh ra khỏi máy nén được đưa vào bình tách dầu. Việc tách dầu giúp giảm áp suất ngưng tụ, tăng hiệu quả trao đổi nhiệt của bình ngưng nhờ giảm lượng dầu bám bẩn trên bề mặt các ống. Đồng thời, tại bình tách dầu (Oil Separator) có cảm biến áp suất ngưng tụ (Condenser pressure Transducer) đưa tín hiệu về bộ điều khiển. Nếu áp suất cao vượt mức cho phép thì cụm Chiller đó ngưng hoạt động.
– Tại bình chứa dầu (Oil Sump), có thiết bị cảm biến mức dầu trong bình (Optical Oil Detector) giúp người vận hành theo dõi được lượng dầu trong Chiller.
– Dầu trước khi về máy nén đều phải qua thiết bị lọc dầu (Oil return filter). Sau đó, dầu về máy nén theo 2 đường: một đường về các ổ đỡ (bearings), một đường phun vào rotors. Phân phối lượng dầu vào hai đường này được thực hiện bằng kết hợp hai tín hiệu lấy từ cảm biến mức dầu (Optical Oil Detector) và cảm biến áp suất dầu hồi (Oil Pressure Transducer). Đồng thời cảm biến áp suất dầu cũng đưa tín hiệu ngắt cụm Chiller khi áp suất dầu quá thấp.
– Để đảm bảo áp suất bay hơi không quá thấp, tại bình bay hơi cũng có lắp cảm biến tín hiệu áp suất thấp (Evaporator Pressure Transducer).
– Tuy sử dụng bình tách dầu, nhưng một lượng dầu vẫn theo tác nhân lạnh qua bình ngưng và van tiết lưu vào bình bay hơi. Để hồi được lượng dầu này về máy nén, tại bình bay hơi lắp bơm hồi dầu (Oil Return Gas Pump). Hoạt động của bơm dựa trên sự chênh lệch áp suất giữa ngưng tụ và áp suất bay hơi.
– Chiller được đặt trên hệ thống đế lò xo hoặc đế cao su để đảm bảo ổn định khi làm việc. Độ nghiêng của thân bình bay hơi không vượt quá 5 mm trên toàn chiều dài bình để tránh hiện tượng dầu bị dồn lại một phía không về được máy nén.
(HẾT PHẦN 1)